


Chi tiết tin





Tính đến ngày 24/9/2024, huyện Tân Phước ghi nhận 62 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), giảm 63,5% so với cùng kỳ năm 2023, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Tuy dịch bệnh giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng lại đang có dấu hiệu tăng lên do trẻ bắt đầu năm học mới, do đó khi trẻ có dấu hiệu bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để bác sĩ xác định diễn biến của bệnh và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.
Nhằm phòng, chống bệnh tay chân miệng kip thời hiệu quả trung tâm Y tế huyện Tân Phước và trạm Y tế các xã, thị trấn đã tổ chức hơn 14 cuộc truyền thông trực tiếp với gần 435 học sinh và giáo viên tham dự. Bên cạnh đó Trung tâm Y tế còn phối hợp với Trung tâm văn hóa thể thao và truyền thanh phát thanh hơn 30 lượt về nội dung về phòng, chống bệnh tai chân miệng. Song song đó trung tâm Y tế chỉ đạo các trạm Y tế phối hợp đài truyền thanh xã phát các nội dung tuyên truyền phòng, chống bệnh tay chân miệng với hơn 120 lượt phát thanh.
Ảnh: Truyền thông phòng chống tay chân miệng ở trường tiểu học phước lập
Tay chân miệng ở trẻ là bệnh truyền nhiễm thường gây thành dịch từ khoảng tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Khác với các bệnh ngoài da thông thường, TCM có 4 mức độ, tiềm ẩn nguy cơ gây biến chứng, nguy hiểm nhất là biến chứng thần kinh, đe dọa tới sức khỏe của trẻ nếu không được theo dõi, chăm sóc và điều trị kịp thời.
Triệu chứng điển hình nhất giúp phụ huynh nhận biết bé mắc TCM là các nốt phát ban dạng phỏng nước và vết loét ở trong khoang miệng. Chúng xuất hiện rầm rộ, tồn tại liên tục trong khoảng 7-10 ngày.
Các phát ban đỏ thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông và đầu gối. Trường hợp nhẹ, phát ban không tiến triển mà chỉ duy trì như vậy cho đến lúc lặn đi. Tuy nhiên, phần lớn các nốt phát ban này sẽ nhanh chóng trở thành mụn nước, bên trong mụn nước chứa chất lỏng trong suốt hoặc đục do nhiễm trùng. Mụn nước trong bệnh TCM không ngứa, ít nguy cơ loét hay bội nhiễm. Sau khi lành, mụn nước sẽ không để lại sẹo mà chỉ gây ra những vệt thâm, mảng màu thâm sẽ nhanh chóng mờ dần.
Vết loét đỏ hay phỏng nước có đường kính 2-3 mm mọc rải rác ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi, khiến trẻ đau đớn, khó chịu, bỏ bú, bỏ ăn, tăng tiết nước bọt, chảy nước dãi nhiều hơn bình thường. Nếu không được điều trị hợp lý, vết loét dễ nhiễm trùng và tiến triển nặng hơn, làm trẻ quấy khóc, mệt mỏi nhiều trong thời gian bị bệnh.
Các bậc phụ huynh cần theo dõi tình trạng bé thường xuyên để nhận biết dấu hiệu biến chứng nặng như: sốt cao trên 39 độ; thở nhanh, khó thở; giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều; đi loạng choạng; da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh; co giật, hôn mê. Khi bé có các biểu hiện này, cần đưa bé đến cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị sớm nhất.
Trần Thị Minh Thư - Khoa Kiểm Soát Bệnh Tật
Thông báo
VĂN BẢN MỚI
Bản đồ
Visit Counter 2.0
  Đang truy cập : 1
  Hôm nay: 318
  Tổng lượt truy cập: 1037448